Nghệ Nhân Làng Lụa

 

“Nuôi lợn ăn cơm nằm, 

nuôi tằm ăn cơm đứng”

 

 

    

 

Nghề trồng dâu nuôi tằm vốn là nghề vất vả xưa nay, phải dậy từ mờ sang để hái lá dâu tươi, mang về rửa sạch và thái nhỏ cho tằm con ăn, nuôi béo cho đến ngày tằm bắt đầu nhả tơ  kéo kén.. Rồi lại xoay qua xe sợi, lên khung, dệt vải, chuội vải, rồi lại nhuộm lại phơi.. Cứ như vậy từ sáng sớm tới tối mịt.

 

 
Vất vả lam lũ là thế, nhưng khi về các làng lụa, gặp gỡ và nói chuyện với những nghệ nhân, hay những người nông dân trồng dâu nuôi tằm, chỉ thấy ánh mắt rạng rỡ và nụ cười hồn nhiên mỗi khi họ kể về công việc cha chuyền con nối này. Niềm hạnh phúc của họ thật giản đơn, là khi se được sợi tơ dài óng ả, là khi hoa văn dệt hiện dần lên sau mỗi nhát thoi đưa, là khi nhuộm được màu lụa như ý, hay chỉ là một buổi dẫn khách đi tham quan xưởng dệt.

 

 


Nghề lụa cũng nhiều thăng trầm và trăn trở, khó khăn không ít, nhưng người nông dân không bỏ cuộc, họ hợp tác với nhau tạo thành cộng đồng làng nghề lụa, gắn kết các khu vực trong cả nước, hợp tác cùng giúp đỡ nhau phát triển, cũng như cùng nhau vượt qua các giai đoạn khó khăn khi lụa Việt không giữ được chỗ đứng trong nước.


Ngày ngày làng lụa vẫn đều đều vang tiếng khung cửi lách cách, tiếng nói chuyện pha lẫn tiếng cười vui, những nong kén no đầy, báo hiệu một mùa lụa khởi sắc.