SỰ HỒI SINH KỲ DIỆU CỦA LÀNG NGHỀ LỤA ĐŨI NAM CAO - KIẾN XƯƠNG
Tồn tại và phát triển qua nhiều thế kỷ, là niềm tự hào của tỉnh Thái Bình, làng đũi Nam Cao - Kiến Xương, cái nôi của những thước lụa đũi mộc mạc, mềm mại nổi tiếng nhiều thế kỷ qua cũng đã từng bị thời gian vùi lấp, tưởng chừng trôi vào quên lãng. Vào những năm 80 của thế kỷ trước có lẽ là thời kỳ hoàng kim nhất của đũi Nam Cao khi độ nổi tiếng của loại lụa đũi này đã không chỉ còn được tiêu thụ trong nước mà đã vượt qua biên giới, xuất hiện và được tiêu thụ số lượng lớn tại các thị trường khó tính nhất ở Đông Âu.
Tuy nhiên, thời gian trôi qua kéo theo sự phát triển của khoa học công nghệ, những loại vải tổng hợp mới xuất hiện với màu sắc và mẫu mã bắt mắt đã dần làm lu mờ đi sự mộc mạc, giản dị của thước vải đũi Nam Cao dẫn tới sự mai một của nghề dệt đũi tại làng Nam Cao. Những nghệ nhân dệt đũi có người lựa chọn rời đi, nhưng có những người vẫn lựa chọn ở lại. Những nghệ nhân ở lại, bằng tinh thần gìn giữ và lòng say mê nghề dệt lụa truyền thống của mình, họ đã thắp lên ngọn lửa hy vọng âm ỉ cháy, hồi sinh cho nghề lụa đũi, đưa làng nghề lụa đũi Nam Cao hồi sinh từ bế tắc trở thành di sản phi vật thể Quốc gia.
Nếu bạn quan tâm những sản phẩm lụa truyền thống, hãy cùng Tơ Vàng ngược dòng thời gian, lần theo dấu vết lịch sử để hiểu hơn về làng nghề lụa đũi Nam Cao. Hơi thở truyền thống trong từng thước vải đũi Nam Cao Trải qua hơn 400 năm hình thành và phát triển, làng nghề dệt đũi Nam Cao (xã Nam Cao, huyện Kiến Xương) đã trở thành niềm tự hào của người dân Thái Bình, vang danh khắp cả nước bởi những thước lụa tinh tế, mộc mạc, mang đậm dấu ấn truyền thống. Nếu các sản phẩm lụa hiện nay được sản xuất công nghiệp theo chu trình khép kín với số lượng lớn trong thời gian ngắn theo hướng hiện đại hóa thì từng thước vải đũi Nam Cao lại mang nét đẹp truyền thống, mộc mạc khi được làm thủ công hoàn toàn bằng đôi bàn tay khéo léo, tỉ mẩn của người nghệ nhân Nam Cao. Bởi vì làm hoàn toàn thủ công nên việc tạo ra một thước vải đũi Nam Cao không hề dễ dàng, việc kéo đũi để guồng sợi yêu cầu người nghệ nhân phải ngâm tay trong nước dù mùa hè oi bức hay đôi tay rét cóng bởi cái lạnh mùa đông. Các công đoạn khác như chuỗi đũi, xe sợi, đánh suốt, dệt vải… cũng được làm thủ công một cách tỉ mỉ và kiên nhẫn dưới đôi bàn tay của nghệ nhân làng lụa. Thậm chí, màu sắc của đũi cũng được tạo nên bởi những màu sắc tự nhiên nhất như màu đỏ của gấc hay màu vàng tự nhiên của kén tơ hay…Chính vì sự tỉ mẩn và vất vả của việc dệt thủ công mà cho tới nay, làng nghề đũi Nam Cao là làng nghề thủ công duy nhất còn sót lại trên thế giới còn tồn tại và phát triển dệt đũi hoàn toàn bằng tay. Tất cả điều này đã tạo cho lụa đũi Nam Cao nét đẹp mộc mạc, giản dị độc nhất với chất lượng tốt nhất, là nét chấm phá đẹp đẽ thanh thuần giữa muôn vàn loại lụa hiện đại ngày nay.
Đũi Nam Cao - Sự hồi sinh kỳ diệu của làng nghề bị quên lãng Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng nghề dệt đũi Nam Cao vẫn giữ được nét đẹp truyền thống vốn có, nơi tiếng khung cửi đưa nhịp như lời hát ru của mẹ, là ký ức tuổi thơ của bao thế hệ người dân nơi đây. Tuy nhiên, trước những biến đổi của thị trường và sự cạnh tranh gay gắt, những năm 2010 - nền kinh tế suy thoái, việc gắn bó với nghề dệt không còn có thể mang lại cuộc sống ấm no cho nghệ nhân, làng nghề cũng rơi vào bế tắc tưởng chừng không thể cứu vãn. Nền kinh tế suy thoái khiến hoạt động sản xuất đình trệ, âm thanh quen thuộc của những khung cửi dần vắng bóng, chỉ còn lại 3 chiếc khung cửi lay động trong sự im lặng bao trùm cả làng. Tuy nhiên, trong tim những người con Nam Cao, ngọn lửa đam mê và ý chí gìn giữ truyền thống vẫn âm ỉ cháy. Họ không cam tâm để làng nghề mai một, để tiếng khung cửi im bặt. Chính lúc này, sự thành lập của hợp tác xã dệt đũi Nam Cao đã trở thành mồi lửa, một lần nữa làm bùng lên sức sống cho nghề dệt đũi Nam Cao. Nhờ những chính sách hỗ trợ thiết thực và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cô gái lạ và những nghệ nhân địa phương, làng nghề dệt đũi Nam Cao đã dần lấy lại sức sống. Âm thanh quen thuộc của những khung cửi lại vang vọng khắp làng, niềm vui và hy vọng nhen nhóm trong tim mỗi người dân.
Bà Nguyễn Thị Mùi (Nam Cao, Kiến Xương, Thái Bình) chia sẻ: “Làng nghề hồi sinh, chúng tôi vui như trẻ lại vì được tiếp tục gắn bó với nghề của ông cha và tham gia nhiều lễ hội văn hóa. 60 năm cuộc đời, chưa bao giờ tôi thấy làng đũi hưng thịnh như hiện nay, người dệt cũng được trân trọng như những nghệ nhân”.
Nhờ sự cải cách, những sản phẩm lụa đũi Nam Cao ngày nay dần được ưa chuộng bởi chất lượng cao cấp, đặc tính vải thân thiện dễ mặc, dễ bảo quản, mùa hè mát mẻ thoáng khí, mùa đông lại có thể giữ ấm, mẫu mã đa dạng và mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống.
Làng nghề dệt đũi Nam Cao là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của truyền thống văn hóa Việt Nam. Vượt qua những khó khăn tưởng chừng như không thể, làng nghề đã hồi sinh và tiếp tục phát triển, trở thành di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, góp phần gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.